• Chrysanthemum
  • Chrysanthemum


TIN TỨC / Tin công ty

PVN ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ BẢO DƯỠNG SỬA CHỮA ĐẾN 2015
Tham dự cuộc họp có Thành viên HĐTV PVN Phan Đình Đức, Phó Tổng giám đốc PVN Lê Minh Hồng, Nguyễn Hùng Dũng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
 

Mục tiêu đề ra của PVN trong kế hoạch 5 năm (2011-2015) về việc phát triển các loại hình dịch vụ Vận hành và Bảo dưỡng sửa chữa (O&M) là tiến tới đảm nhận vận hành 100% các giàn khai thác tại Việt Nam. Đồng thời đảm nhận toàn bộ công tác vận hành các công trình khí; vận hành nhà máy lọc dầu, hóa dầu, phân bón, điện; thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên các nhà máy, công trình dầu khí; tự thực hiện sửa chữa vừa và nhỏ các công trình dầu khí, hợp tác với đối tác nước ngoài cho dịch vụ sửa chữa lớn, sửa chữa trang thiết bị chuyên ngành.

Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng phát biểu khai mạc

Để triển khai mục tiêu này, PVN đã giao cho các đơn vị: Tổng công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV EIC), Công ty Cổ phần Bảo dưỡng và Sửa chữa công trình Dầu khí (PMS) làm đầu mối phát triển dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy lọc dầu – hóa dầu, sản xuất phân bón, nhiên liệu sinh học và các nhà máy liên quan đến lĩnh vực chế biến dầu khí khác.

Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Công ty Cổ phần Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng công trình Dầu khí biển (POS) làm đầu mối phát triển dịch vụ bảo dưỡng, sữa chữa công trình dầu khí ngoài biển, các đường ống dẫn khí và các công trình phụ trợ có liên quan.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí (PVPS) làm đầu mối phát triển dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện.

Cùng với sự phát triển của Petrovietnam, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã được phát triển và mở rộng từ hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, vận chuyển, chế biến, tàng trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí. Do vậy, công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa cũng phát triển theo từng lĩnh vực với những đặc thù riêng, trải rộng với quy mô phát triển.

Đối với các dự án, công trình mới khi được hình thành, các đơn vị đều xây dựng bộ máy quản lý, vận hành và sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên. Còn các lĩnh vực mới như điện, chế biến dầu khí cũng phát triển theo mô hình tương tự, đầu tư trang thiết bị và nhà xưởng, tuyển dụng và đào tạo mới đội ngũ cán bộ vận hành, sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên cho chính nhà máy của mình.
 


Đồng chí Phan Đình Đức phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Sau hai năm triển khai thực hiện, PV EIC/PMS đã nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức, xây dựng nguồn nhân lực, căn cứ BDSC tại miền Trung và triển khai dịch vụ BDSC theo phân công. Về phía PTSC, đơn vị này đã thực hiện ký kết hợp đồng khung về dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa và sửa chữa cho nhiều khách hàng lớn. PTSC cũng đang triển khai các hợp đồng cung cấp nhân sự vận hành các tàu FPSO Thái Bình – VN, cho Cửu Long JOC, FSO Orkid... Về phía PV Power, PV Power Services hiện đang thực hiện cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa về lĩnh vực điện cho các công trình trọng điểm trong ngành Dầu khí nói riêng và trong nước nói chung một cách thành công, hiệu quả.

Bên cạnh những thuận lợi đã đạt được, chủ đầu tư các công trình dầu khí cũng gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như các đơn vị sử dụng công nghệ hiện tại, với tổng mức đầu tư lớn. Để phục vụ cho công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa hàng năm, các đơn vị phải mua khối lượng lớn thiết bị dự phòng (chủ yếu là hàng nhập khẩu từ nước ngoài) nên chi phí lớn, giảm hiệu quả kinh doanh. Tuy vậy, nhiều khi xảy ra sự cố vẫn thiếu thiết bị thay thế ngay.

Thành viên HĐTV Phan Đình Đức chỉ đạo: “Chúng ta làm dịch vụ nên cần có một tư duy, sáng tạo lớn, chứ không đi theo lối mòn. Chúng ta cần chung tay xây dựng nên hệ thống dịch vụ của ngành để làm sao cho tất cả các đơn vị đạt được những hiệu quả cao trong công việc”. Đồng chí Phan Đình Đức mong muốn các đơn vị đoàn kết, thống nhất cùng một quan điểm, để góp phần xây dựng, phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vững mạnh.

Tin tức liên quan